Hồi xuân bằng phương pháp thở
Thở bụng nghịch, co thắt các cơ vùng sàn chậu phối hợp với vận khí thông Nhâm Đốc là một bí thuật cổ xưa của các đạo gia phương Đông có tác dụng phòng chống và đảo ngược tình trạng lão hóa các cơ liên quan đến chức năng sinh dục bao gồm việc kiểm soát và thăng hoa năng lực tính dục cho mục đích dưỡng sinh ích thọ.
Thở là một loại hoạt động sinh lý tự nhiên do hệ thống thần kinh tự động điều khiển. Nhóm cơ ở lồng ngực và cơ hoành phồng lên và xẹp xuống hút, đẩy khí vào và ra. Tuy nhiên, hơi thở tự nhiên thường không vận dụng hết năng lực thực sự của 2 lá phổi. Thở bụng trong nhiều phương pháp dưỡng sinh phương Đông thường hít vào bằng mũi sâu đến bụng dưới khi phồng bụng lên và thở ra bằng miệng trong khi từ từ ép sát bụng dưới. Cách thở nầy vận dụng được tối đa biên độ của cơ hoành, các cơ vùng bụng và cơ đáy chậu để tạo nên một cơ chế giống như một quả tim thứ hai nhằm gia tăng sự lưu thông khí huyết đều khắp cơ thể. Chuyển động phồng lên và xẹp xuống của bụng dưới còn làm tăng nhu động ruột, kích thích tiêu hóa và cải thiện sự hoạt động của cả lục phủ ngũ tạng. Thông thường chỉ cần thực hành phép thở bụng tối đa mỗi ngày một hoặc vài lần, mỗi lần vài phút. Cách thở bụng tối đa phối hợp với thở ra chậm, thì thở ra dài hơn thì hít vào có thể giúp chống stress, điều hòa thần kinh giao cảm.
Bên cạnh cách thở bụng tối đa còn có cách quan sát hơi thở ở bụng dưới, một hình thức tùy tức quán. Tùy tức quán là một phương pháp hành thiền đơn giản có tác dụng giữ cho “tâm bình khí hòa” để dưỡng âm tồn thần và gia tăng nội khí. Với tùy tức quán, chỉ cần tập trung ý duyên theo hơi thở thông qua chuyển động lên xuống ở bụng dưới mà không cần lưu ý đến độ nông sâu ở bụng hoặc hơi thở vào ra nhiều hay ít.
Ngược lại với các phép thở trên, thở bụng nghịch hít vào từ dưới lên trên, thót bụng dưới lại khi hít vào, buông lỏng cân, cơ khi thở ra. Người thời nay ít vận động, nhịp sống nhanh, tâm lý thường căng thẳng. Đàn bà còn có thêm chức năng sinh đẻ. Tất cả những điều nầy làm cho trương lực cơ suy giảm, tinh lực yếu kém dễ dẫn đến các chứng sa giãn nội tạng, táo bón, trỉ, són tiểu kể cả một số chứng rối loạn sinh dục như lạnh cảm, dương hư, xuất tinh sớm. Thực hành đều đặn phép thở bụng nghịch phối hợp với căng cơ có thể làm săn chắc các cơ bắp ở vùng xương chậu để phòng chống các chứng nêu trên nên được gọi là phép thở hồi xuân. Tương truyền, những “ma nữ” trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc như Hạ Cơ, Triệu phi Yến từng làm điêu đứng nam nhân đều đã thực hành các pháp nầy để duy trì tuổi xuân và sự mê hoặc đối tác.
Thực hành: Ngồi trên phản hoặc một bề mặt bằng phẳng, hít thở điều hòa một vài hơi. Tập trung ý vào vùng xương chậu, hít vào trong khi thót bụng lại, đặc biệt chú ý nhíu chặt nhị âm (bộ phận sinh dục và hậu môn).Thở ra, từ từ buông lỏng toàn thân. Khi tập quen, có thể giữ yên tư thế khi hít vào và liên tục nhíu chặt nhị âm nhiều lần, từ vài lần cho đến trên 20 lần trước khi thở ra và buông lỏng toàn thân. Mỗi ngày có thể tập 1 hoặc 2 lần. Người có bệnh tim mạch không nên giữ hơi thở lâu và chỉ nên nhíu chặt nhị âm một vài lần.
Được biết, sau nầy, bác sĩ Arnold H. Kegel (1894-1981) cũng đã sáng tạo ra phương pháp Kegel với nhiều bài tập khác nhau, chủ yếu là co thắt cơ vùng sàn chậu. Hiện nay, phương pháp Kegel được sử dụng rộng rãi ở phương Tây với cùng mục đích như trên. Tuy nhiên Kegel chỉ lưu ý đến co thắt cơ mà không quan tâm đến hơi thở và ý nghĩa khí hóa của động tác. Do đó, các bài tập Kegel cũng không có tác dụng thăng hoa năng lực tính dục.
Thở bụng nghịch, thông Tiểu châu thiên và thăng hoa năng lực tính dục.
Tiến thêm một bước trong những bí thuật hồi xuân, người tập có thể vận dụng phép thở bụng nghịch với vận khí, phối hợp năng lực tổng hợp giữa phong (hô hấp) và hỏa (thần, ý) để đả thông Nhâm Đốc và tạo thành vòng khí tuần hoàn Tiểu châu thiên. Vòng Tiểu Châu thiên bao gồm mạch Nhâm và mạch Đốc. Mạch Nhâm ở phía trước thân người, dưới da, nằm trên đường dọc giữa cơ thể, từ huyệt Hội âm phía dưới bộ phận sinh dục, chạy lên Đan điền, Trung quản, Đản trung, Thiên đột, và kết thúc ở huyệt Thừa tương ở chỗ lõm dưới môi dưới. Mạch Đốc ở phía sau cơ thể, bắt đầu từ huyệt Trường cường ở đỉnh xương cùng, chạy dọc theo cột sống đi lên Mệnh môn, Chí dương, Đại chùy, vòng lên Bách hội, Thần đình, Ấn đường, Nhân trung và chấm dứt ở huyệt Ngân giao gần nướu răng trên.
Nhâm Đốc là 2 con đường vận khí quan trọng của hầu hết các trường phái khí công. Khai thông Nhâm Đốc và vận hành Tiểu châu thiên có tác dụng gia tăng nội lực, cân bằng âm dương, giúp phòng chống bệnh tật và tăng cường khả năng thích ứng với môi trường và hoàn cảnh.
Có nhiều phương pháp để khai thông Nhâm Đốc. Tuy nhiên cách vận dụng “phong & hỏa” trong thở bụng nghịch có lẻ là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Điều quan trọng là người tập phải phối hợp với ngồi thiền. Thông qua điều hòa thần kinh giao cảm, điều hòa hoạt động nội tiết, ngồi thiền là một khâu quan trọng giúp điều hòa cảm xúc, thăng hoa năng lực tính dục đồng thời phân bố năng lực tích lũy trong công phu khí công cho nhu cầu dưỡng sinh ích thọ.
Thông Nhâm Đốc: Giống như cách thở bụng nghịch ở phần trên. Tuy nhiên, khi hít vào, mắt khép nhẹ, định thần, nắm chặt 2 bàn tay, người hơi ngã về phía sau, tập trung ý nhíu chặt nhị âm động thời hít từ từ ngoại khí từ vùng xương cùng, cụ thể là từ 2 huyệt Trường cường và Hội âm, hướng lên Mệnh môn. Đến đây, thẳng lưng trở lại, hơi rướn người lên cao để kéo giãn cột sống và tạo thế dùng ý dẫn khí kéo hơi thở men theo đường sống lưng thẳng lên đỉnh đầu. Dừng lại ở đỉnh đầu khoảng vài tiếng đếm trước khi thở ra. Thở ra từ từ trong khi đẩy khí men theo đường giữa trước bụng đi xuống Đan điền. Thở ra càng chậm càng dài hơi thì hiệu quả càng tăng. Thời gian ngưng thở hoặc thở dài hơi tùy theo khả năng của mỗi người. Trung bình, có thể thực hành theo nhịp 10.10.20 (Thời gian hít vào tương ứng với 10 tiếng đếm, ngưng thở tại đỉnh đầu 10 và thở ra từ đỉnh đầu xuống Đan điền ứng với 20 tiếng đếm.)
Mỗi ngày có thể tập 1 lần bài tập nầy, mỗi lần chỉ nên tập khoảng 3 hơi thở tương ứng với 3 vòng Tiểu châu thiên. Không nên nóng vội. Sau đó là khoảng 5 đến 10 phút ngồi thiền, tâm ý hướng về Đan điền. Cuối cùng, vẫn tập trung ý tại Đan điền trong khi 2 bàn tay xếp chồng lên nhau xoa tròn khoảng 36 vòng chung quanh rốn. Luôn giữ cho đầu lưỡi chạm nướu răng trên để làm cầu nối 2 mạch Nhâm Đốc trong khi thực hành bài tập nầy. Những điều nầy sẽ giúp cho nội khí sinh ra có thể trở về Đan điền, bể chứa khí, nơi ở của khí hoặc tuần hoàn thành vòng Tiểu châu thiên để phân bố điều hòa khắp châu thân thay vì tích tụ ở phần đầu hoặc ngực.
Thăng hoa năng lực tính dục: Một tác dụng quan trọng của việc khai thông Nhâm Đốc là thăng hoa năng lực tính dục. Đường đi tự nhiên của 2 mạch Nhâm Đốc là từ dưới lên trên. Khi Nhâm Đốc đã được thông suốt, mỗi lần có cảm xúc về tình dục, chỉ cần thư giãn hoặc ngồi vào tư thế tọa thiền tự khắc tinh sẽ được hóa thành khí để năng lượng nầy thăng hoa lên phía trên nuôi dưỡng, thấm nhuần khắp lục phủ ngũ tạng, đặc biệt là não bộ để gia tăng trí lực. Chính vì điều nầy, kỹ thuật thăng hoa năng lực tính dục còn được gọi là huờn tinh bổ não. Ở những người trẻ hoặc người tinh lực dồi dào nhưng công lực hoá khí còn kém, có thể dùng kỹ thuật “hit, hà“, một bí thuật thở bụng nghịch khác có tác dụng hóa khí nhanh và tích cực hơn. Khi có cảm xúc về tình dục, hãy tập trung tư tưởng vào những hơi thở ngắn và hít vào liên tục. Hít vào (hít) trong khi chuyển ý từ huyệt Hội âm lên Đan điền. Sau khi thở ra (hà) lại tiếp tục hít vào. Quá trình “hít, hà” cũng chính là quá trình chuyển tinh hoá khí tương ứng từ vùng Hội âm lên Đan điền. Hít, hà liên tục cho đến khi vùng sinh dục mềm nhũn bình thường.
Yếu tố cân bằng và hòa hợp thường được nhắc đến trong mọi truyền thống văn hóa phương Đông. Sinh hoạt tình dục cũng vậy, hoạt động nầy không nhằm thỏa mãn thú vui cho một bên. Hòa hợp âm dương không chỉ cần cho mỗi người, sự hòa hợp giữa tinh thần, cảm xúc và thể xác của người nam hoặc người nữ mà còn là sự hấp thu, chia sẻ và hòa hợp năng lượng giữa 2 người. Đây là một bí thuật khác liên quan đến sự phối hợp giữa thở sâu, thở bụng nghịch và vòng Tiểu châu thiên. Nghe sao giống “hấp tinh đại pháp” trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung quá! Vâng, có vẻ là vậy. Tuy nhiên, hấp tinh đại pháp chỉ là huyền thoại. Ngược lại, công phu khí công của những người thực hành thiền và khí công lâu năm có thể hỗ trợ chữa bệnh, dưỡng sinh cho người khác từ xa, không tiếp xúc, là điều có thật. Phương chi ở đây là chia sẻ và hòa hợp năng lượng trực tiếp.
Thực hành: Thở sâu, không sôi nổi cũng không lạnh nhạt, giữ cho tâm khí bình hòa để kiểm soát cảm xúc và hòa hợp với cảm xúc của đối tác là điều quan trọng luôn được nhấn mạnh trong Tố Nữ Kinh, quyển sách cổ nổi tiếng về kỹ thuật phòng trung. Vào giai đoạn quan trọng khi năng lượng tình dục của cả 2 bên đã lên cao, người nam hít vào đồng thời thu hút năng lượng âm của người nữ từ bộ phận sinh dục theo đường vận khí (1) từ vùng Hội âm và Trường cường đến Mệnh môn đi lên theo mạch Đốc đến Bách hội và thở ra trong khi chuyển năng lượng dương của mình theo mạch Nhâm trở lại ví trí cũ đưa vào cơ thể đối phương. Ngược lại, người nữ sẽ thu hút năng lượng dương của người nam qua mạch Đốc và chuyển năng lượng âm của mình cho người nam qua mạch Nhâm. Có thể thực hành nhiều lần trong một lần sinh hoạt.
Lương y Võ Hà
Nguồn: Phát triển cá nhân
Post a Comment